Hội thảo khoa học

HỘI THẢO KHOA HỌC
TÚ XƯƠNG VỚI THƠ ĐƯƠNG LUẬT VIỆT NAM

Do Hội thơ Đường luật Việt Nam, thuộc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội liên hiệp VHNT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định tổ chức ngày 26/11/2016 nhân 110 năm ngày mất của Nhà thơ Trần Tế Xương.
Trần Tế Xương (1870 – 1907), người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định nay thuộc Phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, Ông nổi tiếng thông minh từ bé, đi học sớm nhưng quá lận đận về đường thi cử. Trong cuộc đời ngắn ngủi 37 năm của ông, với 8 lần lều chõng đi thi mà chỉ đỗ tú tài nên người đời thường gọi ông là Tú Xương. Mặc dù vậy ông đã để lại cho nhân thế một tài sản tinh thần vô giá gồm nhiều thể loại khác nhau thơ, phú, ca trù, xẩm, câu đối, trong đó 3/5 tác phẩm của ông được viết theo thể thơ Đường luật. Nhà văn Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là “Bậc thần thơ, thánh chữ”. Nhà văn Nguyễn Tuân thì đánh giá Tú Xương là “Một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam”. Còn với nhà thơ Xuân Diệu thì Tú Xương là một tài năng văn chương bất tử. “Ông Nghè ông Thám vô mây khói / Dừng lại văn chương mọt tú tài”.
Thơ trào phúng bằng thể thơ Đường luật của Tú Xương có những đặc sắc: Đề tài đời thường, đời tư của con người thế tục. Cảm hứng trào lộng đặc sắc. Tận dụng các đặc trưng của thể loại một cách “tai quái”. Ngôn ngữ suồng sã, thông tục.
Đề tài trong thơ Đường luật cổ điển, người ta thường viết về những đề tài rộng lớn, đề cập đến quốc gia đại sự, thiên địa càn khôn…hay thể hiện tâm tình, khí pách…Thơ Tú xương hầu như chỉ nói về đời thường, ghi lại những hiện tượng xấu xa, lố lăng, kệch cỡm, chướng tai gai mắt. ‘Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ / Ậm ọe quan trường miệng thét loa…” (Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu). “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt / Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng” (Giễu cợt thi đỗ) hay “Nhà kia lỗi phép con khinh bố / Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” (Than đời).
Những: ông nghè, ông cống, quan đốc, thầy cò, ông cử, chú hàn, vênh váo đê tiện, những ông đồng, bà cốt, ông sư, lão lường, những “thầy khóa tư lương”, cô đầu, đĩ rạc… trong “ta bà thế giới” Thành Nam được Tú Xương lùa vào thơ Đường luật của ông.

Không gian trong thơ Tú Xương không thấy hình tượng thiên nhiên với “sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong” như trong thơ Đường thi cổ điển. Vào tay Tú Xương không gian chỉ còn quanh quẩn với Chợ Rồng, Hàng Song, Hàng Nâu, Hàng Thao, Phố Giấy…Hiếm hoi lắm mới có núi, nhưng chỉ là “non” trong tưởng tượng mờ nhạt. “Phố phường chật hẹp người đông đúc / Bồng bế nhau lên nó ở non” (Năm mới chúc nhau) Và: “Mấy năm vượt bể lại trèo non” (Gửi ông thủ khoa Phan). Hiếm hoi lắm mới gặp chữ “sông” nhưng chỉ là “mom sông” hay “sông lấp”.
Thời gian nghệ thuật hạn hẹp với những tháng, ngày, giờ cụ thể, không hề có “thiên niên”, “vạn cổ” của thời gian hoài cổ, tâm tưởng kiểu “Đường thi”. Nhà thơ có “hoài niệm” một chút thì cũng chỉ đến “mái tóc Giáp Thìn”, “điểm đầu Canh Tý” mấy năm trước; càng chẳng có thời tương lai, nhiều lắm thì cũng chỉ là “Khóa này tớ hỏng khóa sau đỗ”. Thơ ông là những bản “tốc họa”, “biếm họa”, “tốc ký” về cái cảnh vật và con người “ở đây”, “lúc này”. Chất liệu thực tại ngồn ngộn trong thế giới nghệ thuật của ông.

Cảm hứng trào lộng đậm đặc là một điểm đặc sắc nữa trong thơ Đường luật của Tú Xương.
Nói đặc sắc vì cảm hứng chào lộng vốn xa lạ với thơ Đường luật cổ điển, một thể thơ “quý phái” cao nhã.
Tú Xương không phải là người đầu tiên đưa cảm hứng trào lộng vào thơ nôm Đường luật. Nhưng chỉ dến Tú Xương cảm hứng trào lộng trong thơ Đường luật mơi đậm đặc đến thế. “Đến thế là đến thế nào đây? / Là cứ 10 bài thì có 9 bài trào lộng!”. Chúng hiện ra rất rõ ở các đầu đề “bỡn”, “chế”, “giễu”, “đùa”, “cười”, “chửi”…Dù không có những chữ ấy ở đầu đề thì bản thân các bài thơ cũng đầy ắp tiếng cười – khi cay đắng ngậm ngùi, khi mỉa mai khinh miệt, khi phẫn hận cay cú.
Ngòi bút sắc sảo của ông “càn quét” hét những hiện tượng, những con người xấu xa, bỉ ổi, lố lăng, đê tiện… đến nỗi khó lòng trích dẫn nhưng bài hay, câu hay tiêu biểu vì rất nhiều, dẫn bài này lại bất công vơi bài khác.
Tú Xương “cười người” thật nhiều, thật lâu mà “cười mình”, “chế mình” cũng thật nhiều, thật lâu, không đợi đến “hôm sau” mà ngay lúc này, ngay khi cười người cũng ngụ ý cười mình. Xưa nay trong thơ thiên hạ răt khoe tài, Tú Xương rành khoe tật. Thơ ông có những bài “Tự vịnh”, “Tự đắc’, “Tự ngụ”, “tự tiếc”…Ngọn roi “tự phê bình”, “tự kiểm điểm” của Tú Xương không hề nương nhẹ cho mình, thậm chí còn thái quá, “vượt ngưỡng” khi ông “tự vịnh” mình “dở dở lại ưng ưng”, “…thường ăn quỵt…lại chơi lường”
Thế giới nghệ thuật của Tú Xương là thế giớ của sư bất bình phản cảm, phán tư. Tiếng cười của Tú Xương nổi lên giữa văn đàn cận đại, nhiều sắc độ, nhiều cung bậc và nó khiến người đọc không ngớt bật cười.
Một cách tự nhiên, Tú Xương đã phát huy được ưu thế của thơ Đường luật để tạo ấn tương, để đập mạnh vào cảm thức của người đọc bằng những cặp cân đối, bằng kết cấu chặt chẽ mà trọng tâm ý nghĩa, năng lượng của bài thơ thường tích tụ ở phần kết, có khi chỉ là một câu, thậm chí một chữ.
Kết cấu chặt chẽ của thể thơ Đường luật với trọng tâm ở phần kết (“khai thừa chuyển hợp” của tuyệt cú và “đề thực luận kết” của luật thi). Nó là hệ thống hoàn chỉnh như một cơ thể sống lại đầy sức khơi gợi, lan tỏa, mời gọi những liên tưởng ngoài hệ thống, tăng hiệu quả thẩm mỹ, hiệu ứng nghệ thuật.

Ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Đường luật Tú Xương. Ông là nhà thơ lớn bậc thầy ngôn ngữ và cũng là một biệt tài ngôn ngữ. Chưa ai có biệt tài đưa ngôn ngữ đời thường, thông dụng, suồng sã, thậm chí thô tục vào thơ Đường luật một cách đặc sắc như Tú Xương.
Là một thể thơ “quý phái” tao nhã, thơ Đường luật cổ điển tao nhã đến tận mỗi “tế bào” – ngôn ngữ thơ Đường luật trang trọng, tao nhã với tỷ lệ danh từ chiếm ưu thế (so với động từ) với nhiều điển cố, ngôn từ ước lệ, mở ra một thế giới nghệ thuật tĩnh lăng, cao vời – thế giới của sự hòa điệu.
Vào tay Tú Xương thơ Đường luật đành “chịu phép” chấp nhận một hệ thống ngôn ngữ phức tạp, xô bồ sống động với tỷ lệ động từ cao, với từ ngữ “suồng sã”, “chợ búa”, thậm chí thô tục của tay “phù thủy” “hay Nôm” ở chỗ nào cũng thấy những từ này đặt chính xác, được đặt đúng chỗ đắc điạ….Ví như:
– Suồng sã: “Một đàn thằng hóng”, “có một cô lái”, khỉ ơi là khỉ”, “mà chó thế”, “…rặt phường hay chữ”, “ba cái lăng nhăng”…
– Chợ búa: “cô lái”, “eo sèo”, “đắt hàng”, “nhà thổ ế”, “nợ mướn van thay”,”ăn quỵt chơi lường”, “một vốn bốn lời”…
– Thô tục: “bố cu”, “mẹ đĩ”, “con cò”, “đi xia”, “đít vịt”…
– Tú Xương không ngần ngại đưa luôn cả tiếng chửi vào thơ Đường luật: “chết bỏ bu”, “chết bỏ đời”, “cha mẹ thói đời”, “bá ngọ” thậm chí cả chửi tục.
– Tú Xương rất sành dùng từ láy: “dở dở ương ương”, “Lăm le, tấp tểnh”, “lặn lội, eo sèo”, “lim dim, nhấp nhổm”, “đì đẹt om xòm”, “lăng nhăng”, “chí cha, chí chát”
– Tú Xương chỉ chơi ngôn ngữ đời thường, hay dùng thành ngữ dân gian, cực hiếm những từ điển cố, những từ ước lệ rất phổ biến trong thơ Đường luật cổ điển.
Vậy là cả đến bậc cơ sở là ngôn ngữ, hệ thống ngôn ngữ trong thơ Tú Xương có một sự “lạ hóa”, khác xa thơ Đường luật cổ điển. Bên thì nhiều danh từ trong một thế giới hòa điệu của sự tĩnh lặng, bên thì lắm động từ trong một thế giới náo động, xô bồ. Bên thì ngôn từ trang nhã nhiều ước lệ, bên thì ngôn từ thô tục, suồng sã, chợ búa…phồn tạp đầy chất liệu thực tại của một xã hội đang vội vã, loay hoay vặn mình dưới bàn tay ham hố của thực dân…khác xa cả ngàn năm “cổ diển”.

Thơ Tú Xương đích thị là thơ Đường luật. Niêm, luật, vận, đối, tiết điệu, kết cấu- nghĩa là tất cả những “luật” nghiêm ngặt của thơ Đường luật đều được tuân thủ, có đôi chỗ phá cách, đến như Đỗ Phủ, Thôi Hiệu đôi khi cũng phá cách nữa là…
Đây là sự thay đổi lạ hóa có hệ thống: Từ đề tài, ảm hứng sáng tạo (thuộc phạm trù nội dung) đến hình tượng nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật, lối “phản đối”, (tức đối ngẫu tương phản), hệ thống ngôn ngữ (thuộc phạm trù hình thức, bút pháp) Trần Tế Xương đã thực hiện đến tột đỉnh quá trình “thoát thai hoán cốt” thể thơ Đường luật bằng thành tựu thơ Nôm Đường luật trào phúng, đưa ông lên đỉnh cao.
Vậy có thơ đề tặng rằng: “Kìa ai chín suối Xương không nát / Có nhẽ ngàn Thu tiếng vẫn còn”

Nguyễn Sỹ Đào
Lược biên Tham luận của Giáo sư Hoàng Chương, Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Giáo sư Nguyễn Thị Bích Hải, Pho BT Tỉnh ủy Phạm Đình Nghị, … trong “Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tú Xương với thơ Đường luật Việt Nam”. Xin trân trọng giới thiệu.

Bài này đã được đăng trong Trang Hình. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Gửi phản hồi tới mọi người